TRUNG QUỐC THIẾU ĐIỆN – BÀI TOÁN NAN GIẢI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Với đất nước tỉ dân như Trung Quốc việc thiếu điện đang là một bài toán nan giải khi việc sản xuất điện phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc không muốn tăng sản lượng điện vì giá than đang lên cao kỉ lục, trong khi đó chính phủ Trung Quốc lại kiểm soát giá điện. Yếu tố thời tiết khô hạn khiến việc sản xuất của các nhà máy thủy điện cũng giảm sút. Trong khi đó, nhiệt điện chiếm 60% sản lượng điện tại nước này khiến cho nguồn cung điện thiếu hụt trầm trọng.

Trái lại, nhu cầu tiêu thụ điện của Trung Quốc lại tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể theo một báo cáo của công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc, nhu cầu điện trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Một phần do thời tiết đang trở nên nóng bức hơn khiến người dân sử dụng các thiết bị làm mát, máy lạnh, quạt, tủ lạnh… nhiều hơn. Một phần do nền kinh tế tại Trung Quốc đang hồi phục trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

đèn năng lượng mặt trời tiết kiệm điện

Ít nhất 9 tỉnh của Trung Quốc đang ở trong tình trạng thiếu điện trầm trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh danh sản xuất. Tại tỉnh Quảng Đông – nơi chiếm 10% GDP của Trung Quốc đã phải cắt điện luân phiên trong hơn 1 tháng qua. Các doanh nghiệp phải cho cán bộ, công nhân nghỉ làm vài ngày/tuần.

Nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhà cung cấp của Apple, Tesla tại khu vực đông bắc đã phải dừng hoạt động. Các nhà cung cấp của Apple còn đang lo đứt gãy chuỗi cung ứng khi chuẩn bị bước vào mùa sản xuất cao điểm một số mặt hàng như mẫu iPhone mới nhất.

Tại Giang Tô, một tỉnh gần Thượng Hải với nền kinh tế lớn gần bằng Canada, các nhà máy thép đã đóng cửa và một số thành phố tắt đèn đường. Ở Chiết Giang, khoảng 160 công ty sử dụng nhiều năng lượng bao gồm cả các công ty dệt may đã phải đóng cửa.

Giới phân tích của Morgan Stanley nói nếu việc gián đoạn sản xuất kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP quý 4/2021 của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm. Trong thông báo ngày 28.9, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu điện, nên đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8,2% xuống còn 7,8%. Hãng tài chính Nomura cũng cắt giảm dự báo từ 8,2% xuống còn 7,7%. “Cú sốc cung cấp năng lượng trong nền kinh tế số 2 thế giới và nhà sản xuất lớn nhất thế giới sẽ lan rộng và ảnh hưởng thị trường toàn cầu”, Nomura cảnh báo.

Trung Quốc đã cam kết kiểm soát năng lượng bẩn và đang cố gắng tăng cường sử dụng các nguồn tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, theo ông Qin, vấn đề mà ngành năng lượng nước này phải đối mặt là làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải cacbon.

Việc nghiên cứu áp dụng sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo vô tận như điện gió, điện mặt trời… là vô cùng cần thiết để đảm bảo nguồn cung điện bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Đây cũng là bài học cho Việt Nam khi có ưu thế rất lớn trong việc sản xuất điện mặt trời.