Các chủ đầu tư gặp khó khăn khi EVN yêu cầu cắt giảm sản lượng điện mặt trời

Các chủ đầu tư gặp khó khăn khi EVN yêu cầu cắt giảm sản lượng điện mặt trời

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào năng lượng tái tạo, nhưng nay nhà máy không được chạy hết công suất vì lý do EVN yêu cầu cắt giảm sản lượng trong những tháng cuối năm 2021, điện làm ra không bán được để thu hồi vốn.

Các chủ đầu tư gặp khó khăn khi EVN yêu cầu cắt giảm sản lượng điện mặt trời

Lý do EVN quyết định cắt giảm sản lượng điện trong năm 2021

Theo Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Nguyễn Đức Ninh, hiện nay, năng lượng tái tạo đang có xu hướng tiếp tục bùng nổ ở nước ta. Dẫn số liệu năm 2019 có khoảng 5.000MW điện mặt trời nối lưới; đến năm 2020, tiếp tục có thêm gần 5.000MW điện mặt trời nối lưới và khoảng 7.000-8.000MW điện mặt trời áp mái. 

Trong khi đó, nhu cầu phụ tải năm 2021 dự báo vẫn thấp như năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Trong năm 2020, tăng trưởng phụ tải chỉ có hơn 3%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Còn trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng phụ tải cũng chỉ có 5-7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước”- ông Nguyễn Đức Ninh biết và thừa nhận thực tế này càng gây khó khăn cho hoạt động vận hành hệ thống điện lưới quốc gia trong năm 2021 nếu không kiểm soát, cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, EVN có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 1,7 tỷ kWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021.

Xem thêm: MỤC TIÊU ĐIỆN MẶT TRỜI CHIẾM 45% NGUỒN CUNG ĐIỆN CỦA MỸ

Tình trạng cắt giảm sản lượng vẫn kéo dài?

Trong sự bùng nổ điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) thời gian qua, gây áp lực đến việc cắt giảm công suất nguồn điện NLTT, Cục Điều tiết Điện lực và Truyền tải điện miền Nam cùng đề nghị “bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện mặt trời áp mái đến dự báo nhu cầu phụ tải” để tìm hướng giải quyết vấn đề trên.

Bộ công thương cho biết: Chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải.

Theo Bộ này, nếu tính gộp điện ĐMTAM vào nhu cầu phụ tải dự báo sẽ rất khó dự báo được biểu đồ phụ tải điện trong tương lai.

Bản chất của ĐMTAM cũng giống như nguồn điện mặt trời quy mô lớn, có thể coi là nguồn điện. Hành vi sử dụng điện của phụ tải hay dáng biểu đồ phụ tải (khi chưa có điện mặt trời áp mái) đã được nghiên cứu nhiều năm nay và được sử dụng để dự báo dáng biểu đồ trong tương lai của Quy hoạch điện VIII.

Do vậy, Quy hoạch điện VIII lựa chọn phương pháp dự báo nhu cầu phụ tải gốc, không tính đến ĐMTAM và coi ĐMTAM nằm trong phần nguồn điện.

Báo cáo về tình hình hoạt động quý I/2021 của EVN cho thấy, lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó: Thủy điện huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020; Nhiệt điện khí 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4%; Nhiệt điện than 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4 %; Riêng NLTT huy động tăng 180,6%, mức 7,79 tỷ kWh (điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh).

Theo EVN, thời gian qua, đơn vị gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, đó là: Các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi NLTT, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô; Tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy…

Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn NLTT với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây, điều này dẫn đến cần phải cắt giảm sản lượng để đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Các chủ đầu tư gặp khó khăn khi EVN yêu cầu cắt giảm sản lượng điện mặt trời

Khó khăn của các Chủ đầu tư

Tại Gia Lai, Khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời  đều phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70% – 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ  9,5% – 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng là rất lớn.

Theo phương án tính toán tài chính, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên.

Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải cắt giảm sản lượng, sa thải công suất phát điện của dự án từ 50% – 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư điện mặt trời. Các chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều chủ dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời ở huyện Đắk Mil, Cư Jút, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cũng đang như “ngồi trên lửa” bởi mỗi ngày đều bị cắt giảm sản lượng phát điện lên lưới điện. Thậm chí, có ngày, tỷ lệ cắt giảm công suất lên đến 100%.

Đơn cử như Công ty TNHH Thịnh Đạt (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) đầu tư công trình điện năng lượng mặt trời với công suất 997 kW với nguồn vốn đầu tư khoảng 19 tỷ đồng, nhưng thời gian qua liên tục bị cắt giảm công suất bán điện.

Ông Nguyễn Tăng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đạt cho biết, từ tháng 1.2021 đến nay, công ty liên tục thường xuyên bị cắt giảm sản lượng điện. Thậm chí, có những ngày công ty không bán được kW điện nào. “Thời điểm bị cắt giảm công suất thường là lúc trời nắng, hoạt động sản xuất điện mặt trời lý tưởng, hiệu quả nhất”. Không bán được điện, công ty không những không thu được tiền nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng cho khoản vay 12 tỷ đồng để đầu tư. Ông Hưng ước tính, mỗi tháng trung bình công ty thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.

Tương tự như Công ty Thịnh Đạt, ông Lê Ngọc Anh, ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút có 2 dự án điện năng lượng mặt trời với công suất gần 2.000 kW cũng liên tục bị cắt giảm công suất.

Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế).

Theo doanh nghiệp này, đây không phải là lần đầu, bởi từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.

Ông Nguyễn Hoàng Hưng – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư điện mặt trời (Solarcom) cho hay, với những ngày bị cắt giảm 50% công suất, Solarcom thiệt hại 200-250 triệu đồng.